Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn số 19: Động Am Tiên – Tuyệt Tịnh Cốc ngoài đời thực
Ẩn mình giữa lưng chừng núi, với phong cảnh sơn thủy hữu tình, Động Am Tiên thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư đang là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa bởi vẻ đẹp tựa “Tuyệt tịnh cốc” trong bộ phim kiếm hiệp nổi tiếng “Thần điêu đại hiệp”. Trước đây, động Am Tiên ở lưng chừng núi, phải leo qua 205 bậc đá qua vách núi nhưng hiện nay đã có đường hầm xuyên núi vào động. Động có hình giống như miệng con rồng nên còn được gọi là hang rồng. Nhiều nhũ đá có hình cây thóc, cây tiền, trái phật thủ, nụ hoa sen rủ xuống cùng những giọt nước. Đến thời nhà Lý, thiền sư Nguyễn Minh Không một lần đi ngang qua động thấy âm khí quá nặng, đã ngày đêm tụng kinh thuyết pháp và cải đặt tên là động Am Tiên. Tiếng kệ kinh của Phật pháp đã dần cảm hóa muông thú đồng thời hóa giải cho linh hồn của các tử tù, cũng từ đó nơi này trở nên thanh tịnh.
Ở Tuyệt tịnh cốc Ninh Bình có một bức tường thành vững chãi phía trên núi. Nếu có dịp check-in bạn sẽ bị choáng ngợp trước công trình kiến trúc dù trải qua rất nhiều năm nhưng nó vẫn sừng sững giữa đất trời. Tuy nhiên, để đến được đây cũng khá khó khăn vì địa hình dốc, khá mất sức khi leo.
Hiện nay, khu vực động Am Tiên Ninh Bình đã được tu tạo, khôi phục lại và xây dựng một khu chùa mới trên đường vào động chùa cổ. Khu Am Tiên mới ngoài thờ phật và thiền sư Nguyễn Minh Không, đây cũng là một đền thờ các vị danh nhân thời Đinh như Đại thần Trương Ma Ni, phò mã Trương Ma Sơn, công chúa Phù Dung và thái hậu Dương Vân Nga.
Bên cạnh Hang Động còn 1 ngôi chùa nữa là chùa Am Tiên, đây cũng là nơi những năm cuối đời của Thái hậu Dương Vân Nga xuất gia tu hành. Đứng từ chùa Am Tiên nhìn xuống, các bạn sẽ nhìn được bao quát không gian mênh mông rộng lớn của cảnh quan hùng vĩ nơi đây với thế núi cao sừng sững và hồ nước trong xanh trải dài ngút tầm mắt. Đặc biệt, các bạn sẽ cảm nhận được không khí linh thiêng, hào hùng của một thời lịch sử.
Động Am Tiên nằm trên lưng chừng núi, xưa là nơi vua Đinh nuôi nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ có tội, còn ngay dưới chân núi Đìa là Ao Giải, nơi vua nuôi cá sấu để ném những kẻ có tội xuống ao cho cá ăn thịt. Đây cũng là nơi vua Lê Đại Hành nhốt các tù binh Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân của nhà Tống xâm lược Đại Cồ Việt năm 981, đến năm 986 mới trả cho sứ giả Lý Giác. Ngoài ra trong khu vực còn có hang Muối, hang Tiền… là nơi vua cất giữ lương thực, ngân khố quốc gia thời Đinh Lê.
Động Am Tiên gắn liền với tên tuổi của những nhân vật lịch sử buổi đầu dựng nước ở thế kỷ X, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998. Ngày nay, di tích được trùng tu tôn tạo và trở thành một điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.