Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn số 13: Lầu Ông Hoàng ngày ấy…

Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn số 13: Lầu Ông Hoàng ngày ấy…
Nằm trên đỉnh đồi Bà Nài, thuộc địa phận phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Lầu Ông Hoàng là một địa điểm lịch sử nổi tiếng gắn với chuyện tình của nhà thơ Hàn Mặc Tử và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Đây vốn là một biệt thự do Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để xây, nhưng đến nay đã bị phá hủy và chỉ còn là tàn tích. Địa danh này cũng được gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến thăm Phan Thiết.
Vào năm 1911, Công tước De Montpensier qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Nhận thấy phong cảnh tại những ngọn đồi xung quanh Phan Thiết rất hữu tình, nên ông đã mua lại mảnh đất rộng 536m2, cách Tháp Po Sah Inư 100 m về hướng nam để xây dựng biệt thự.
Tòa biệt thự được khởi công xây dựng ngày 21 tháng 2 năm 1911 với quy mô 13 phòng rộng cùng nhiều tiện nghi phụ trợ, như máy phát điện đặt dưới tầng hầm, bể chứa nước có thể dùng đủ cả năm. Khi xây xong, biệt thự được xem là công trình hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ. Tên gọi Lầu Ông Hoàng xuất phát từ cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp cư ngụ ở đây.
Lầu Ông Hoàng có một vị trí đẹp, cao 105 m so với mặt nước biển, cách trung tâm Thành phố Phan Thiết 7 km nằm trên khu vực đồi Bài Nài. Tháng 7 năm 1917, Công tước De Montpensier bán lại biệt thự cho một chủ khách sạn người Pháp tên là Prasetts. Sau này, vua Bảo Đại mới mua lại.
Thưa các bạn!
Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam năm 1945, quân Pháp đã xây dựng một hệ thống đồn bót với nhiều lô cốt để canh giữ toàn vùng Phan Thiết. Lầu Ông Hoàng trở thành nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Kể từ đó trở đi, Lầu ông Hoàng không còn được ai chăm nom và dần trở nên xuống cấp, hoang phế.
Trong kháng chiến chống Pháp biệt thự này đã bị tiêu hủy, ngày nay chỉ còn lại toàn bộ nền móng, hầm ngầm chứa nước và những ký ức trong người dân Phan Thiết .
Ngày 14 tháng 6 năm 1947, nơi đây đã diễn ra trận đánh tuyệt vời của một tiểu đội thuộc Đại đội Hoàng Hoa Thám, Trung đoàn 82 Bình Thuận cải trang tập kích tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Lầu Ông Hoàng của quân Pháp do đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy thu nhiều súng đạn các loại, trong đó có một khẩu đại liên Vitke, một súng trung liên Bren và nhiều chiến lợi phẩm khác, từ đó nhân dân ta quen gọi là chiến thắng lầu Ông Hoàng.
Ngày nay, Lầu ông Hoàng đã trở thành tàn tích, phần lớn công trình đã bị mất dấu vết. Thế nhưng tại nơi đây không có những chỉ dẫn cụ thể và chính xác nên nhiều du khách đến đây đều lầm tưởng cụm lô cốt quân sự còn sót lại trên đỉnh đồi Bà Nài chính là lâu đài của công tước De Montpensier. Vì vậy, hình ảnh một lô cốt có tháp canh khá cao cũ kỹ với nhiều lỗ châu mai và lỗ chỗ vết đạn mà gọi Lầu Ông Hoàng là hoàn toàn sai lạc.
Các bạn có biết không?
Địa danh Lầu Ông Hoàng còn gắn với tên tuổi nhà thơ Hàn Mạc Tử – bởi lẽ Lầu Ông Hoàng từng là nơi hẹn hò và ngắm trăng của Hàn Mạc Tử với Mộng Cầm – người tình của nhà thơ. Nhà thơ Hàn Mạc Tử có nhiều bài thơ nói về nơi này, nổi tiếng là bài “Phan Thiết Phan Thiết” với những vần thơ lạ kỳ, ý thơ thống thiết; Trong bài thơ này ông ví mình như chim phượng hoàng, bay qua nhiều cung trời để rồi rớt xuống một cù lao, sau nhiều năm tu luyện đã thành chánh quả, ông theo thất tinh chỉ hướng để đi tìm một người thục nữ và ông:
…lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết…
Về sau Mộng Cầm có nói về câu chuyện tình lãng mạn này, trong đó thổ lộ nơi ấy là nơi hẹn hò yêu đương của họ: “Một dịp thứ bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mang chứng bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn một người chồng mạnh khỏe, tráng kiện”.
Tương truyền Hàn Mặc Tử đã phóng bút tích của mình lên tấm bia đá tại Lầu ông Hoàng, tuy nhiên, di tích đó hiện nay chỉ còn là đống gạch vụn. Trong ca khúc “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng có nhắc đến Lầu Ông Hoàng: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…”
Các bạn ạ, đến với Phan Thiết, các bạn hãy dành thời gian ghé thăm Lầu Ông Hoàng để tìm về tích xưa nhé. Và thật khoan khoái khi đứng giữa đỉnh đồi Bà Nài trong mênh mông của gió biển, trong vi vút của gió ngàn, trong bao la của không gian thoáng đãng đến vô cùng. Chắc chắn các ban trẻ sẽ check in được rất nhiều kiểu hình ấn tượng lung linh nơi đây. Và, Chẳng đâu xa mà ngay dưới chân các bạn đứng chính là những gì còn sót lại của phế tích Lầu Ông Hoàng 1 thủa xa xưa ấy. Hẳn trong tiềm thức các bạn sẽ lại ngân lên lời ca day dứt: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *